Tạo hứng thú cho con với một quyển truyện khi đọc nhiều lần

Tạo hứng thú cho con với một quyển truyện khi đọc nhiều lần

CHỦ ĐỀ: TẠO HỨNG THÚ CHO CON VỚI MỘT QUYỂN TRUYỆN KHI ĐỌC NHIỀU LẦN

Chắc có rất nhiều phụ huynh đã từng nghe về những lợi ích từ việc đọc sách hay việc khơi dậy niềm yêu thích sách cho con ngay từ khi còn nhỏ. Thông qua mỗi quyển sách, mỗi câu chuyện kể con đọc sẽ cung cấp cho con nhiều điều bổ ích. Sẽ thật tuyệt vời khi con có niềm đam mê và yêu thích sách.

Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ huynh chia sẻ về việc con có rất nhiều sách nhưng sau khi mua con chỉ đọc 1 lần, lần tiếp theo khi mẹ lấy ra đọc cùng thì con lại không hứng thú và nói rằng “con đọc quyển này rồi”.

Ví dụ: Ở lần thứ nhất, khi bố mẹ kể cho con câu chuyện “Ai đã ăn quả táo của tớ” (NXB Kim Đồng, lời Lee Jeamin, dịch Thủy Giang), con rất hào hứng và muốn biết bạn nào đã lấy mất quả táo của Chuột. Ở lần kể này, con đã biết được nội dung chính của câu chuyện kể về bạn Chuột bị đánh rơi quả táo, Chuột hỏi rất nhiều bạn trong khu rừng nhưng bạn nào cũng giải thích vì sao mình không lấy được táo của Chuột và cuối cùng Chuột biết rằng bạn Voi đã dùng vòi để lấy quả táo của mình.

Vậy làm thế nào giúp con hứng thú khi đọc lại câu chuyện này ở lần thứ 2, thứ 3?

1. Lần kể thứ 2: Đưa ra câu hỏi về một chi tiết trong truyện

Sau khi đọc xong câu chuyện, tuy chưa nhớ chính xác chi tiết trong câu chuyện như các bạn đã giải thích vì sao không lấy được táo của Chuột nhưng trẻ đã biết được nội dung chính và kết thúc của câu chuyện đó như thế nào. Bố mẹ có thể đặt các câu hỏi về chi tiết trong câu chuyện hay kết thúc của câu chuyện để khơi gợi sự tò mò, tạo hứng thú tiếp theo cho trẻ:

➀ Ai là người đã lấy của táo của Chuột? Mẹ nhớ là bạn Khỉ mà? Con cùng mẹ đọc lại câu chuyện này xem có đúng không nhé.

➁ Có những bạn nào trong câu chuyện này? Các bạn ấy đều đã ăn táo của Chuột đúng không? Vậy là mẹ nhớ nhầm à? Mẹ con mình cùng đọc lại xem có phải vậy không nhé.

➂ Bạn Voi đã lấy quả táo bằng cách nào? Hình như không phải đâu, lúc đó mẹ con mình đọc nhanh quá nên không nhìn rõ.

2. Lần kể thứ 3: Sau khi kể lại câu chuyện mẹ mới đọc câu đố

Với những lần kể chuyện trước, con đã có thể ghi nhớ nội dung chính của câu chuyện. Lần kể này, khi trả lời câu đố của bố mẹ sau khi con đã đọc lại, để tạo hứng thú và sự tò mò cho con, bố mẹ có thể khuyến khích con đọc lại câu chuyện cẩn thận, nhớ một cách chi tiết hơn nữa vì câu đố của bố mẹ sẽ nằm ở 1 chi tiết rất nhỏ và đặc biệt câu đố này sẽ có phần thưởng nữa đấy. Mẹ có thể thử đặt những câu hỏi cho con như:

➀ Đố con trong câu chuyện có bao nhiêu bạn nhân vật xuất hiện?

➁ Con kể tên từng bạn nhân vật xuất hiện trong câu chuyện.

➂ Tại sao bạn khỉ, rắn, cá sấu lại không lấy được táo của khỉ?

3. Lần kể thứ 4: Con kể lại câu chuyện theo nội dung, bức tranh con ghi nhớ

Trẻ rất yêu thích khi được chơi và hướng dẫn cho bố mẹ. Bố mẹ có thể khơi gợi và khuyến khích con kể lại nội dung câu chuyện cho bố mẹ hay cho bạn gấu của con nghe. Khi trẻ đã được cung cấp một vốn từ vựng và khả năng tạo câu hoàn chỉnh ở những lần kể trước cùng bố mẹ, con sẽ tự tin và thích thú hơn. Bố mẹ có thể khuyến khích hoặc xây dựng thành 1 câu chuyện như:

➀ Bạn gấu này của con rất thích được nghe con kể về câu chuyện này đấy. Mẹ con mình cùng kể cho bạn nghe nhé.

➁ Bố chưa được đọc câu chuyện này bao giờ, con đã cùng mẹ nghe nhiều lần rồi, bây giờ con kể cho bố được nghe với.

➂ Trong câu chuyện này có bạn gì? Có phải bạn này đã ăn hết quả táo không? Ôi mẹ không nhớ rõ nữa, mẹ rất muốn nghe con kể lại cho mẹ nghe được không?

Thông qua việc đọc sách sẽ cung cấp cho con một vốn từ vựng phong phú về cuộc sống xung quanh, từ đó giúp trẻ tăng khả năng ngôn ngữ. Việc sử dụng một quyển sách nhiều lần sẽ giúp trẻ tạo thói quen đọc sách hàng ngày. Cùng với đó, làm mới sách không chỉ giúp trẻ hứng thú khám phá quyển sách ở nhiều lần đọc, mà còn giúp trẻ biết yêu, biết trân trọng sách khi sách luôn gắn bó với trẻ mỗi ngày.

Mỗi bài học trong chương trình CODOMO CLUB Nhật Bản – Giáo dục mầm non chuyên sâu luôn xây dựng như một câu chuyện kể, giúp phát huy khả năng tư duy và suy luận ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi của trẻ.