Giúp trẻ chủ động trong học tập ngay từ khi còn nhỏ (Phần 1)

Giúp trẻ chủ động trong học tập ngay từ khi còn nhỏ (Phần 1)

KIZUKI’S BLOG: GIÚP TRẺ CHỦ ĐỘNG TRONG HỌC TẬP NGAY TỪ KHI CÒN NHỎ (Phần 1)

Giai đoạn trẻ từ 3-6 tuổi là giai đoạn trẻ học và làm quen với những điều xung quanh cuộc sống như cách sử dụng ngôn ngữ để bày tỏ mong muốn của mình, hay khám phá những điều mới lạ. Vì vậy khi được tiếp nhận và làm quen với một môn học mới, trẻ rất hào hứng tham gia.

Tuy nhiên nhiều phụ huynh cũng thường lo lắng khi thấy con tuy hào hứng thời gian đầu nhưng chưa có sự chủ động và tự giác trong việc học tập của mình. Bước đầu tạo được hứng thú cho trẻ rất quan trọng nhưng duy trì sự hứng thú và giúp con chủ động trong việc học của mình là hết sức cần thiết. Vậy nên làm thế nào giúp con duy  trì được sự hứng thú và chủ động trong học tập ngay từ khi còn nhỏ?

I/ Giúp trẻ làm quen với thời gian

Để có thể chủ động trong việc học của mình thì trẻ cần nhận biết được thời gian, từ đó trẻ hiểu khi nào mình sẽ làm công việc này. Việc xem lịch hay đồng hồ phụ huynh có thể nghĩ là khó để giúp con hiểu về khái niệm thời gian. Vậy ở từng lứa tuổi sẽ làm sao để giúp trẻ làm quen với thời gian một cách hứng thú và dễ hiểu?

1. Làm quen việc xem lịch

1.1. Lứa tuổi 3-4

– Ở lứa tuổi từ 3-4, trẻ đã có thể nhận biết được mặt số, bố mẹ có thể giúp trẻ làm quen với các ngày trên tờ lịch và hiểu  chuyển động của từng ngày thông qua sự thay đổi những con số trên tờ lịch.

Ví dụ: Bố mẹ có thể sử dụng tờ lịch của gia đình hoặc cùng con tạo một tờ lịch tháng. Mỗi ngày khi thức dậy, con sẽ tự khoanh tròn vào các ngày trên tờ lịch. Trẻ sẽ hiểu mỗi ngày là một chữ số khác nhau, những số được khoanh tròn là ngày đã qua, những số chưa khoanh tròn là ngày sắp tới.

Bố mẹ có thể cùng con vẽ thêm cảm xúc, thời tiết vào các ô vuông của ngày. Trẻ sẽ dần có cảm nhận về sự thay đổi và khác nhau của mỗi ngày.

– Khi trẻ đã làm quen với các ngày, bố mẹ sẽ hướng dẫn con làm quen với các thứ trên tờ lịch gắn với các hoạt động thực tế trong cuộc sống của con.

Ví dụ: Vào thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5 và thứ 6 con sẽ đi học ở trường mầm non. Vào thứ 7 và chủ nhật sẽ là ngày cả nhà được nghỉ và bố mẹ đưa con đi chơi.

Mỗi ngày bố mẹ cùng con vừa khoanh tròn vào ngày trên tờ lịch và đọc thứ tương ứng với ngày đó, trẻ sẽ dần hiểu được quy luật mỗi tuần sẽ có 7 ngày tương ứng với các thứ 2,3,4,5,6,7 và chủ nhật.

1.2. Lứa tuổi 5-6

– Ở lứa tuổi này con đã có thể hiểu được các quy luật trên tờ lịch một cách rõ ràng hơn như mỗi tuần sẽ có 7 ngày tương ứng với 7 thứ. Bố mẹ có thể giúp con hiểu rõ hơn về quy luật này cùng với hoạt động

Ví dụ: Với các hoạt động diễn ra vào một thứ cố định hàng tuần như thứ 7 con đi học lớp Codomo Club thì bố mẹ có thể hướng dẫn con đánh dấu những ngày đó bằng sticker hoặc hình vẽ để con chủ động với lịch học của mình và chuẩn bị đồ dùng.

– Bên cạnh việc hiểu quy luật của thứ trong tuần, trẻ sẽ quan sát và nhận biết mỗi tháng sẽ chỉ có 30 hoặc 31 ngày tương ứng với 4 tuần.

Ví dụ: Hàng tuần con đi học vẽ 1 buổi vào chủ nhật con sẽ nhận thấy con sẽ học khoảng 4 buổi trong 1 tháng có 30 hay 31 ngày bằng cách con dán sticker lên trên lịch về buổi học của con.

– Cùng với đó, trẻ hiểu sự chuyển động của các tháng, mỗi tháng sẽ được biểu hiện bằng con số từ 1 đến 12. Bố mẹ cũng có thể hướng dẫn con làm cho mình một tờ lịch tháng và tự trang trí tờ lịch theo sở thích của mình để con có thể hào hứng với việc xem lịch do chính con làm hơn.

2. Trẻ học cách xem đồng hồ

Bên cạnh việc giúp trẻ hiểu về ngày tháng thứ, thì học cách xem đồng hồ cũng giúp trẻ nhận biết về sự chuyển động của thời gian. Bố mẹ có thể giúp con hiểu mình cũng sẽ chuyển động cùng chiếc đồng hồ như thế nào theo từng lứa tuổi của con.

2.1.  Lứa tuổi 3-4

– Bố mẹ có thể hướng dẫn con hiểu hơn về con số không chỉ gắn liền với tờ lịch mà còn qua sự chuyển động của chiếc đồng hồ. Điều giúp con dễ nhận biết và làm quen về giờ là sự chuyển động của con trong một ngày.

Ví dụ: Hàng ngày con thứ dậy vào lúc 7 giờ, 8 giờ con đi đến trường, hay con đi ngủ lúc 10 giờ. Vào mỗi thời gian của hoạt động đó, bố mẹ sẽ chỉ vào chiếc đồng hồ để con cảm nhận về thời gian.

– Khi trẻ đã hiểu về khái niệm thời gian, bố mẹ có thể cùng con chơi với chiếc đồng hồ. Trẻ cũng rất thích sự chuyển động của những chiếc kim đồng hồ với kim ngắn kim dài và có thể học được cách xem giờ đúng thông qua các trò chơi cùng bạn gấu bông.

Ví dụ 1: Bạn gấu bông cũng giống con sẽ thức dậy vào lúc 7 giờ, bây giờ con sẽ quay chiếc kim dài, kim ngắn để chỉ đúng 7 giờ.

Ví dụ 2: Bố mẹ cùng con chơi về câu chuyện “Sói ơi mấy giờ rồi?”. Kim dài luôn chỉ số 12, kim ngắn chỉ vào số nào thì các con sẽ đọc to giờ đó. Khi đồng hồ chỉ 12 giờ thì sói sẽ xuất hiện và các con sẽ cần chạy đi.

– Sau khi trẻ được chơi và học cách xem đồng hồ, trẻ sẽ hiểu về sự chuyển động của thời gian qua sự thay đổi của chiếc kim trên đồng hồ. Trẻ cũng sẽ biết kiên hơn chờ đợi và tập trung thực hiện công việc hơn.

Ví dụ: Mẹ và con sẽ tập trung cùng làm bức tranh này, khi kim dài này chỉ đến số 1 thì chúng ta sẽ dừng để chuyển sang trò chơi khác nhé!

2.2. Lứa tuổi 5-6

– Trẻ từ 5 – 6 tuổi đã có thể hiểu và phân biệt được các hoạt động trong ngày vào buổi sáng hay tối. Con có thể tìm hiểu và học thêm về cách đọc giờ rưỡi. Giờ rưỡi là khi kim ngắn chỉ giữa số 8 và 9, kim dài di chuyển từ số 12 đến số 6 lúc đó sẽ không phải là 8 giờ nữa mà sẽ là 8 rưỡi.

Ví dụ 1: Khi con ăn sáng vào lúc 8 giờ, sau đó 8 rưỡi con đi đến trường. Bố mẹ có thể chỉ cho con về sự chuyển động và thay đổi vị trí của kim đồng hồ.

Có những trẻ sẽ đặt nhiều câu hỏi và muốn tìm hiểu nhiều hơn như kim dài chỉ số 1, 2, 3, 4, 5 thì thế nào? Lúc đó bố mẹ có thể giải thích và hướng dẫn con rõ hơn nữa.

Ví dụ 2: Từ những hoạt động thực tế diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của con cùng sự chuyển động với chiếc đồng hồ, bố mẹ có thể cùng con chơi trò chơi về một ngày của bạn gấu bông, vừa xoay kim đồng hồ vừa diễn tả các hoạt động trong ngày sáng, tối.

– Con hứng thú, hiểu về thời gian từ đó cũng hiểu hơn về việc sắp xếp hay thực hiện theo kế hoạch.

Ví dụ 1: Con rất thích đi khu vui chơi hay đi công viên, bố mẹ có thể giúp con làm quen với việc lên kế hoạch và thực hiện chẳng hạn như: Đánh dấu ngày con sẽ đi chơi, cùng với đó là chiếc đồng hồ chỉ 9 giờ sẽ bắt đầu đi giúp con thấy hào hứng và thích thú với việc thực hiện được đúng như kế hoạch.

Ví dụ 2: Từ những việc như vậy bố mẹ cùng con bắt đầu lên cả kế hoạch học tập của con. Như việc bố mẹ có thể hướng dẫn con về giờ làm bài tập hoặc ôn bài vào mỗi buổi tối lúc 8 giờ. Con sẽ tập trung và làm đến khi kim dài chỉ số 3 là 8h15 hoặc kim dài chỉ đến số 6 là 8 giờ rưỡi thì sẽ dừng học.

Hiểu được thời gian và sự chuyển động của thời gian ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ có tính chủ động hơn trong các hoạt động của mình. Mỗi buổi học của chương trình CODOMO CLUB Nhật Bản – luôn được bắt đầu với phần xem lịch để trẻ dần hình thành thói quen và tạo sự chủ động trong hoạt động vui mà học của mình.