Giúp con thể hiện cảm xúc từ việc hiểu cảm xúc của bố mẹ

Giúp con thể hiện cảm xúc từ việc hiểu cảm xúc của bố mẹ

Cũng giống như người lớn, trẻ cũng có rất nhiều cảm xúc khác nhau trong cuộc sống hằng ngày như cáu giận, vui vẻ, buồn bã, tủi thân,… Thể hiện cảm xúc của bản thân rất quan trọng bởi cảm xúc sẽ ảnh hưởng các hành động của trẻ. Có nhiều cách khác nhau giúp trẻ gọi tên và thể hiện ra những cảm xúc của mình như qua sách, video…  Việc giúp con thể hiện cảm xúc thông qua biểu cảm, từ ngữ của bố mẹ sẽ giúp trẻ có hình dung dễ dàng nhất. Vậy bố mẹ có thể làm thế nào để giúp trẻ thể hiện cảm xúc của mình từ việc giúp con hiểu cảm xúc của bố mẹ.

1. Thể hiện cảm xúc vui vẻ

Từ cảm xúc mà bố mẹ thể hiện, trẻ cũng sẽ dần biết cách diễn tả những cảm xúc của bản thân mình. Cảm xúc vui vẻ diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của con như khi con được mua một món đồ chơi mới, con được đi công viên. Cùng với việc sử dụng từ ngữ biểu đạt cảm xúc, bố mẹ có thể bày tỏ cảm xúc được thể hiện thông qua nét mặt, hành động để giúp con có thể hiểu và gọi tên.

Ví dụ: Khi đi khu vui chơi cùng với con, mẹ cười rất tươi và nói: hôm nay mẹ rất vui khi được đi chơi công viên.

Hiểu những cảm xúc mà bố mẹ thể hiện, trẻ cũng sẽ biết cách gọi tên cảm xúc không chỉ của bản thân mình và con có thể quan sát và hiểu cảm xúc của những người xung quanh.

2. Thể hiện cảm xúc cáu giận

Cáu giận là một cảm xúc có ở mỗi người. Tuy nhiên, việc quá cáu giận và dẫn đến những hành động bạo lực sẽ trở thành những cảm xúc tiêu cực. Việc thể hiện ra được sự cáu giận sẽ giúp trẻ giải tỏa được căng thẳng trong cảm xúc của mình. Bố mẹ có thể giúp trẻ hiểu về cảm xúc cáu giận thông qua nét mặt và lời nói và giải thích cho trẻ hiểu vì sao bố mẹ lại có cảm xúc đó.

Ví dụ 1: Khi mẹ đã nhắc nhưng con vẫn đá bóng trong nhà, mẹ có thể thể hiện cảm xúc cáu giận qua nét mặt nghiêm khắc và nói với con như: Mẹ rất giận và không đồng ý vì hành động đá bóng trong nhà của con. Đá bóng mình sẽ đá ở ngoài sân. Con đá bóng trong nhà sẽ làm vỡ các đồ đạc.

Từ việc nghiêm khắc qua lời nói, trẻ sẽ hiểu bố mẹ đang có cảm xúc tức giận. Cùng với việc thể hiện cảm xúc và hành động, bố mẹ cũng hãy giúp trẻ có thể biết cách xử lý cảm xúc của mình.

Ví dụ 2: Sau khi thể hiện cảm xúc cáu, giận và đưa ra lý do của cảm xúc đó, bố mẹ có thể nói chuyện với con đưa ra các phương án như: Mẹ sẽ hết giận hay mẹ sẽ vui hơn khi con cất bóng đi và chơi trò khác như ghép hình hoặc đọc truyện với mẹ.

3. Thể hiện cảm xúc từ hành động nói cảm ơn, xin lỗi

Hành động biết nói lời cảm ơn giúp trẻ thể hiện cảm xúc biết ơn của mình. Cảm xúc này trẻ có thể nhận thấy được rõ nhất thông qua hành động, lời nói của bố mẹ. Khi bố mẹ luôn nói lời cảm ơn với con đã giúp đỡ bố mẹ, trẻ cũng sẽ học được cách thể hiện cảm xúc biết ơn bằng việc nói lời cảm ơn từ những điều đơn giản, đời thường nhất.

Ví dụ 1: Mẹ cảm ơn con vì con đã giúp mẹ phơi quần áo. Bố cảm ơn con vì con đã lấy nước giúp bố.

Việc giúp trẻ thể hiện cảm xúc, hiểu và biết nhận lỗi bằng việc nói lời xin lỗi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn bởi nó sẽ đi cùng với những cảm xúc như sợ hãi như con sợ bị mắng khi làm sai. Để giúp con nhận lỗi, biết nói lời xin lỗi thì việc thể hiện cảm xúc của bố mẹ trong cuộc sống hàng ngày đóng vai trò quan trọng.

Ví dụ 2: Khi bố mẹ hứa mua đồ chơi cho con nhưng bố mẹ đã quên thực hiện, bố mẹ hãy nói lời xin lỗi với con và đưa ra gợi ý như: mẹ xin lỗi vì đã quên mua đồ chơi cho con. Con nghĩ sao nếu cuối tuần này mẹ sẽ đưa con đi chơi và mua đồ chơi?

Khi trẻ cảm nhận được cảm xúc của bố mẹ qua hành động và lời nói, trẻ sẽ hiểu rằng ai cũng có thể mắc sai lầm, quan trọng là mình biết nhận lỗi và sửa chữa nó.

Những cảm xúc của bố mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến việc thể hiện cảm xúc ở trẻ. Từ việc nhận biết và hiểu cảm xúc của bố mẹ, trẻ sẽ hiểu cả cảm xúc của mình và những người xung quanh. Mỗi trẻ lại có tính khí và cách thể hiện cảm xúc khác nhau. Tại Kizuki, luôn có những buổi chia sẻ chuyên sâu với từng phụ huynh, đem đến lời những khuyên giúp bố mẹ có thể tham khảo thêm phương pháp giúp trẻ có những cảm xúc tích cực.