Đánh giá dựa trên quá trình đạt được kết quả

Đánh giá dựa trên quá trình đạt được kết quả

Khi con bắt đầu đi học hay theo học một chương trình, bố mẹ thường quan tâm đến kết quả con cần đạt được sau 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm là gì. Tuy nhiên khả năng ở mỗi trẻ không giống nhau nên thời gian trẻ đạt được kết quả cũng sẽ có sự khác biệt. Khi đánh giá kết quả học tập của trẻ thì bố mẹ hãy xem, nhìn lại cả một quá trình con đã thay đổi hay tiến bộ như thế nào từ lúc con bắt đầu học. Vậy việc đánh giá này giúp ích gì cho quá trình phát triển ở trẻ?

1. Trẻ thấy mình được ghi nhận từ những nỗ lực

Khi dạy trẻ, việc đánh giá theo quá trình mà con đạt được kết quả là rất quan trọng. Con có một điểm số chưa cao nhưng bố mẹ nhận ra được sự cố gắng của con trong quá trình học đó và khen ngợi, động viên sẽ giúp trẻ thấy những nỗ lực của mình được ghi nhận. Khả năng ở mỗi trẻ lại khác nhau nên bố mẹ hãy đánh giá trong cả quá trình học như con đã làm được điều gì và con thực sự đã cố gắng như thế nào? Từ đó giúp con cảm nhận được điều này.

Ví dụ 1: Bài kiểm tra toán của con chỉ đạt được 7/10 điểm nhưng trong quá trình học mẹ thấy so kỳ trước con chỉ đạt được 5 điểm thì mẹ ghi nhận sự tiến bộ, cố gắng và khen ngợi những nỗ lực để đạt được kết quả như vậy của con.

Ví dụ 2: Khi con đi học nhảy, tháng đầu tiên mẹ thấy con chưa nhảy được theo bài nhưng tháng này con đã ghi nhớ các bước di chuyển và nhảy nhịp nhàng hơn.

Bố mẹ không vì điểm số mà bỏ qua những nỗ lực của con. Việc ghi nhận và khen ngợi những cố gắng mà trẻ đã làm được  sẽ giúp con có động lực tiếp tục và chăm chỉ hơn nữa.

2. Trẻ muốn cố gắng hơn nữa

Bên cạnh việc bố mẹ động viên khen ngợi, ghi nhận những nỗ lực của con, giúp con nhận ra được điểm mạnh của mình thì việc chỉ dẫn cho con, cùng con nhìn lại mình làm chưa tốt ở điểm nào và đưa ra lời khuyên cho con cũng rất quan trọng. Khi con thấy nỗ lực được ghi nhận và hiểu rõ điểm mình cần cải thiện sẽ giúp con có định hướng và cố gắng hơn nữa.

Ví dụ 1: Sau khi khen ngợi, động viên con vì đã đạt được điểm toán cao hơn kỳ trước thì bố mẹ cùng con phân tích, nhìn ra những điểm con cần cải thiện và có lời khuyên cho con.Ví dụ có thể hỏi con xem tại sao con làm sai câu này? Để con nhìn lại bản thân mình như vì con làm nhanh sau đó không kiểm tra lại. Trong kỳ tới, con sẽ làm từ từ cẩn thận hơn, khi làm xong sẽ kiểm tra lại một lần nữa là những lời khuyên mà bố mẹ có thể đưa ra cho con.

Ví dụ 2: Con đi học bơi đến tháng thứ 3 thì các bạn đã bơi được hết mà con chưa làm được. Bố mẹ động viên con đã tiến bộ hơn như con không còn sợ nước, biết cách thở dưới nước rồi, tháng này con sẽ tập kết hợp thở với đạp chân xem sao? Cũng vừa là lời động viên lời khuyên để con có động lực thử làm và muốn cố gắng hơn.

Những lời khen ngợi, động viên và hướng dẫn sẽ giúp cho trẻ hiểu mình cần phải cải thiện điểm chưa làm được hoặc làm chưa tốt điểm gì? Để từ đó con kiên trì cố gắng hơn nữa và đạt được kết quả mà mình mong muốn.

3. Giúp trẻ kiên trì không bỏ cuộc

Năng lực ở mỗi trẻ là khác nhau nên thời gian để trẻ đạt được kết quả mong đợi đôi khi cần cả một quá trình không chỉ là 3 tháng, 6 tháng mà có thể là 1 năm, 2 năm. Với trẻ nhỏ, các con khi cảm thấy khó hay bản thân mình không làm được cũng sẽ rất muốn bỏ cuộc. Lúc này, sự kiên trì của phụ huynh cùng con sẽ giúp trẻ cố gắng hơn và không bỏ cuộc.

Ví dụ 1: Con sợ nước nên khi học bơi đến tháng thứ 3 chỉ mới biết ngụp xuống nước còn các bạn đã có thể bơi được hết bể. Trẻ sẽ rất dễ cảm thấy chán khi không bằng các bạn và muốn nghỉ học. Nhưng khi bố mẹ kiên trì, động viên đưa con đi học thì sau 1 năm con đã biết bơi rất nhanh. Dù thời gian không nhanh như các bạn nhưng điều quan trọng bố mẹ giúp con nhận ra rằng, khi kiên trì, có thói quen thường xuyên thì con sẽ nhất định làm được.

Ví dụ 2:  Khả năng ngôn ngữ nói và tạo thành câu của con chưa được lưu loát vì thế mà con thấy các bạn nói nhanh còn con không phát biểu được rõ ràng như vậy dù con rất hiểu bài. Bên cạnh việc động viên khen ngợi tiến bộ của con, thì bố mẹ cùng học, đọc truyện cho con mỗi tối, hướng dẫn con trả lời câu hỏi, tạo thành thói quen cho con thì sau 6 tháng bố mẹ đã thấy con tự tin chia sẻ hơn rất nhiều,  và có thể nói ra được ý kiến của mình.

Với phương pháp giáo dục Nhật Bản, tại Kizuki thầy cô luôn quan sát, ghi nhận những nỗ lực của trẻ, đánh giá theo cả quá trình dựa trên những điểm con làm được và đưa ra phương án cho những phần con cần cải thiện. Kizuki mong rằng bố mẹ có thể hiểu hơn phần nào về giáo dục Nhật Bản, kiên trì cùng con, cho con một quá trình và dõi theo con trên quá trình học tập thì bố mẹ thực sự sẽ nhận ra: Con đang tiến bộ qua từng ngày.