Lễ hội Tanabata là lễ hội đẹp và lãng mạn nhất của đất nước mặt trời mọc. Vốn bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng lễ hội Thất Tịch của người Nhật cũng có những đặc trưng khác biệt và vô cùng đặc sắc. Cùng KIZUKI tìm hiểu về sự kiện Tanabata và những điều thú vị của lễ hội nhé!
1. Nguồn gốc
Lễ hội Tanabata “phiên bản” Nhật Bản xuất phát từ truyền thuyết về nàng công chúa Orihime – con gái của Ngọc Hoàng. Nàng sở hữu dung mạo xinh đẹp và tài năng thêu thùa, dệt khung cửi rất khéo.
Khi nàng đến tuổi dựng vợ gả chồng, Ngọc Hoàng cho phép nàng kết duyên vợ chồng cùng chàng chăn bò Hikoboshi – người mà Orihime yêu bấy lâu nay.
Nhưng chỉ sau đó không lâu, hai vợ chồng Orihime và Hikoboshi mải mê vui chơi, bỏ bê công việc ở Thiên đình khiến Ngọc Hoàng nổi giận. Từ đó, Ngọc Hoàng ban lệnh chia cách hai người ở hai đầu sông Ngân. Vì quá đau buồn, cả hai vợ chồng lâm bệnh nặng.
Vì vậy, Ngọc Hoàng thương tình và cho phép họ được gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày 7 tháng 7.
Giới quý tộc cung đình rất quan tâm và đón nhận câu chuyện tình của hai chòm sao Ngưu Lang và Chức Nữ, gọi là Kikkoden.
Tuy xuất hiện từ thế kỷ 8 nhưng đến thời Edo (1600 – 1868), Lễ hội Tanabata mới được phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp khác trong xã hội.
2. Thời gian tổ chức và ý nghĩa
Ngày nay, người dân Nhật Bản dành ngày 7/7 hàng năm để tổ chức lễ hội Tanabata – ngày lễ Thất Tịch. Lễ hội này kỷ niệm và tôn vinh cuộc gặp gỡ mỗi năm một lần của Orihime và Hikoboshi (đại diện cho chòm sao Chức Nữ và chòm sao Ngưu Lang).
Vào ngày lễ hội diễn ra, người Nhật sẽ gửi gắm những mong ước của mình vào những mảnh giấy đầy màu sắc Tanzaku rồi treo lên cành trúc trước cửa nhà để cầu nguyện chúng thành sự thật.
Orihime sẽ giúp họ khéo léo hơn trong công việc, viết chữ đẹp hơn. Hikoboshi sẽ giúp họ những vụ mùa bội thu và sự thịnh vượng.
Đối với trẻ em, Tanabata cũng là một ngày hội lớn. Trẻ em sẽ ở nhà cùng nhau trang trí cho các cành trúc và ghi những ước mơ của mình vào giấy Tanzaku.
3. Những điểm độc đáo của lễ hội Tanabata
a. Trang trí trong lễ hội
Tanzaku
Tanzaku là những mảnh giấy hoặc mảnh vải sắc màu dùng để ghi điều ước và treo trên cành trúc.
Dựa trên thuyết Âm Dương Ngũ Hành xưa của Trung Quốc, Tanzaku gồm 5 màu sắc chính đỏ – xanh dương – vàng – trắng – đen, mang ý nghĩa của những ước nguyện khác nhau.
Fukinagashi
Fukinagashi là những cột giấy lớn, tượng trưng cho những sợi chỉ của nữ thần may vá – công chúa Orihime.
Fukinagashi gồm một quả bóng giấy lớn phía trên, xung quanh được đính bằng những dải giấy in hoa dài rủ xuống bên dưới.
Người Nhật trang trí Fukinagashi với mong muốn cầu nguyện cho ngành dệt may và thủ công luôn phát triển.
Orizuru
Orizuru là những con hạc giấy được gấp từ giấy Origami.
Chim hạc đại diện cho sự sống lâu và trường thọ, nên nhiều người sẽ gấp hạc giấy và nối chúng lại bằng sợi chỉ rồi treo lên cành trúc hoặc trang trí cùng Fukinagashi với ý muốn cầu chúc cơ thể khỏe mạnh.
b. Các món ăn truyền thống
Mì Somen
Mì Somen được cho là một món ăn độc đáo mà người Nhật thưởng thức vào dịp này. Món ăn được sử dụng lúa mì để chế biến sao cho hợp với khẩu vị và thời thiết của người dân xứ sở hoa anh đào.
Đồ ăn được trang trí bắt mắt bằng cách cắt tỉa hình ngôi sao
Các gia đình sẽ chuẩn bị thức ăn bằng hình ngôi sao nhân dịp Tanabata vì người Nhật cho rằng những ước nguyện của họ sẽ gửi đến các vì sao.
Vì vậy, không khó để bắt gặp món ăn được trang trí đồ ăn bằng đậu bắp cắt nhỏ, thạch hình ngôi sao, trái cây, kẹo đường konpeito và trang trí bằng những màu sắc tươi sáng vô cùng bắt mắt.
Thức ăn liên quan đến măng, tre
Với người Nhật, họ quan niệm có một vị thần trú ngụ trong hốc tre, lá tre có tác dụng diệt khuẩn nên nó mang ý nghĩa xua đuổi tà ma.
Vì vậy, phong tục ăn cơm cùng các món măng và bánh bao được gói bằng lá tre được hình thành.
Đặc biệt, bánh bao nhân đậu đỏ rất được ưa thích vì đậu đỏ tượng trưng cho sức khỏe và tình duyên.
4. Hoạt động trải nghiệm lễ hội Thất tịch Tanabata tại KIZUKI
Sự kiện Tanabata Nhật bản được KIZUKI tổ chức với hy vọng sẽ đem nét đẹp văn hóa của xứ sở Mặt trời mọc đến gần hơn với các bé.
Các bé vô cùng thích thú khi biết thêm được một lễ hội với biết bao điều thú vị cùng thủ công mới lạ như:
- Tìm hiểu ngày lễ và từ vựng về Lễ Thất Tịch.
- Trang trí thẻ viết điều ước
- Check-in góc Nhật Bản nho nhỏ
Kizuki hy vọng thông qua hoạt động trải nghiệm, chúng mình sẽ hiểu hơn về đặc trưng trong văn hóa của đất nước Nhật Bản, từ đó khơi gợi hứng thú, thêm yêu thích với đất nước này.