Tại sao con hay giận dữ, bướng bỉnh? Bố mẹ nên giải quyết thế nào?

Tại sao con hay giận dữ, bướng bỉnh? Bố mẹ nên giải quyết thế nào?

Q: Con năm nay 6 tuổi. Con rất bướng, khi cáu giận thì thường thể hiện hành động hất dép, vùng vằng. Mẹ nói nhưng con không nghe, con còn thể hiện mạnh hơn. Mẹ phải làm thế nào giúp con điều chỉnh cảm xúc của mình.

A:  Trẻ ở lứa tuổi nào cũng sẽ có những cảm xúc riêng. Dù vui, buồn, cáu giận trẻ đều bộc lộ cảm xúc thật ra bên ngoài một cách rất tự nhiên. Cáu giận cũng là phản ứng tự nhiên thể hiện việc con không đồng ý với một ý kiến, sự việc nào đó. Khi con cảm thấy giận mà không thể hiện cảm xúc giận thì bố mẹ cũng sẽ cảm thấy lo lắng vì sau này con dễ trở nên vô cảm với những điều xung quanh.

Tuy vậy, nhưng khi con có những biểu hiện như la hét lớn, đập phá mạnh, ném đồ… thì bố mẹ cũng nên để ý, khắc phục kịp thời, tránh việc con càng ngày trở nên hung dữ, khó làm chủ được cảm xúc của mình sau này.

1. VÌ SAO TRẺ THỂ HIỆN CÁU GIẬN BẰNG HÀNH ĐỘNG MẠNH

1.1. Trẻ không biểu hiện được cảm xúc mong muốn

Có rất nhiều lý do dẫn đến sự cáu giận của trẻ như khi con không được đáp ứng theo yêu cầu mua món đồ chơi mình yêu thích hay khi con bị bạn khác tranh dành đồ chơi,… Những lúc như vậy, nếu con không biểu hiện, nói ra được cảm xúc, lý do mình không đồng ý, trẻ sẽ sử dụng đến các hành động mạnh như ném đồ, hất dép,.. để thể hiện sự cáu giận cũng như giải tỏa cảm xúc đó của mình.

1.2. Trẻ sao học cách xử lý từ người lớn

Trẻ nhỏ như một tấm gương phản chiếu hành động của người lớn vì trẻ rất hay bắt chước hành động của mọi người xung quanh mình. Chẳng hạn như bố mẹ hay không kìm chế được mà nổi giận ném đồ, quát mắng, to tiếng…. trẻ cũng sẽ quan sát và thể hiện hành động như vậy khi thấy bực tức hay giận dỗi.

1.3. Bố mẹ không tôn trọng đến cảm xúc, nhu cầu của trẻ

Trẻ cũng có những mong muốn và sở thích riêng của mình. Tuy nhiên khi bố mẹ áp đặt không quan tâm đến nhu cầu của trẻ, không cho con quyền được lựa chọn khiến trẻ bắt buộc phải làm theo sẽ hình thành trong con sự phản kháng và bộ lộ những sự giận dữ mạnh mẽ.

2. GIÚP TRẺ XỬ LÝ CẢM XÚC KHI GIẬN GIỮ

2.1. Tăng khả năng ngôn ngữ thể hiện cảm xúc của con qua sách, truyện

Bố mẹ giúp con có thêm niềm yêu thích sách, từ đó con tăng khả năng ngôn ngữ, vốn từ qua các nhân vật để có thể nói ra cảm xúc của mình. Trong mỗi câu chuyện sẽ giúp con hiểu và lý giải được cảm xúc của chính mình. Con sẽ học được cách xử lý cảm xúc trong câu chuyện mà con đã được đọc.

Ví dụ: Cuốn sách Kỹ năng kiểm soát tức giận – NXB Kim Đồng dành cho trẻ em chia sẻ những tình huống mà con có thể sẽ gặp cũng như gợi ý cách xử lý. Qua đó con có thể dễ dàng hơn trong việc nói lên cảm xúc tức giận cũng như bình tình xử lý cảm xúc đó.

Sách Kỹ năng kiểm soát tức giận – NXB Kim Đồng

Việc giúp trẻ bộc lộ cảm xúc, dù là cảm xúc tiêu cực cũng là điều cần thiết mà bố mẹ nên chú ý với con. Hiểu được cảm xúc tức giận của con rất quan trọng nhưng bố mẹ cùng con xử lý cảm xúc đó như thế nào cũng cần được chú trọng.

2.2.  Hướng dẫn và cùng con giải quyết vấn đề

Khi đã hiểu được nguyên nhân vì sao con tức giận thì việc cùng con đưa giải pháp xử lý vấn đề đó cũng rất quan trọng. Bố mẹ có thể gợi ý con cách giải quyết hay đưa cho con một cách nhìn khác về vấn đề giúp con giải quyết cảm xúc của mình.

Ví dụ: Con được nuôi 1 bạn mèo và mang ảnh của bạn đến lớp khoe với các bạn khác, con rất muốn được khoe với 1 người bạn thân của mình nhưng bạn ấy lại không muốn xem. Con không hiểu vì sao bạn ấy lại như thế. Bố mẹ có thể chia sẻ như có thể bạn ấy cũng rất muốn được nuôi mèo nhưng lại không được nuôi nên bạn ấy sẽ không muốn xem vì có thể bạn ấy có thể sẽ thấy không vui.

2.3. Chia sẻ, tôn trọng cảm xúc của con

Bố mẹ là những người hiểu cảm xúc của con nhất. Khi bố mẹ mong muốn con làm gì hay thực hiện theo mong muốn của mình, bố mẹ hãy dành thời gian nói chuyện cùng con để giúp con hiểu vì sao con cần làm như vậy cũng như lắng nghe mong muốn của trẻ. Khi trẻ có thể diễn tả ra cảm xúc bực tức, nóng giận và mong muốn của mình bằng lời nói, trẻ sẽ cảm thấy bớt căng thẳng và dễ chịu hơn.

Ví dụ 1: Bố mẹ gợi ý con bằng những câu hỏi như: “Con giận bố mẹ vì bố mẹ không mua món đồ chơi này cho con đúng không?”
Thay vì hỏi con vì sao con lại cáu giận, bố mẹ có thể đưa ra những gợi ý cụ thể về lý do con cảm thấy tức giận. Điều này gợi mở con chia sẻ, giải tỏa dược cảm xúc tiêu cực.

Ví dụ 2: Bố mẹ có thể chia sẻ với con: “Đôi khi bố mẹ cũng cảm thấy cáu giận mà không nói ra được thành lời, bố mẹ cũng khóc thật to. Nên nếu như con cáu hay giận mà không nói ra được, con có thể khóc òa to lên cũng không sao. Nhưng con không được ném đồ hay vứt đồ. Vì bạn đồ vật đó mà biết nói, bạn cũng sẽ nói bạn rất đau và buồn vì bị con ném đấy.”

Điều này giúp cho con hiểu rằng việc có cảm xúc cáu giận là điều bình thường. Đồng thời khi bố mẹ giúp con biết được lý do vì sao mình không được hành động như vậy, con cũng sẽ hiểu và thực hiện theo.