KIZUKI’S BLOG: GIÚP CON LÀM QUEN VỚI QUY ĐỊNH
TỪ VIỆC LẮNG NGHE & TRẢ LỜI
Ở lứa tuổi tiền tiểu học, trẻ tiếp thu rất nhanh các kiến thức được bố mẹ và cô giáo hướng dẫn. Khi trẻ có vốn hiểu biết phong phú và khả năng ngôn ngữ linh hoạt, con sẽ trả lời các câu hỏi của người lớn đưa ra nhất nhanh. Việc con thích đưa ra câu trả lời trước mọi người khi mình biết là điều bình thường. Tuy nhiên bố mẹ cũng lo lắng khi thấy con chưa có thói quen lắng nghe, thường đưa ra ngay câu trả lời dù chưa nghe hết câu hỏi hay nói khi cô hay bố mẹ đang hỏi bạn khác sẽ dễ khiến con hấp tấp, không kiên nhẫn chờ đợi. Vậy nên đặt ra quy định thế nào giúp trẻ biết lắng nghe và chờ đến lượt khi trả lời các câu hỏi?
1. Giúp trẻ làm quen và hiểu các quy định
Ở lứa tuổi tiền tiểu học, con đang làm quen với các quy định khác nhau khi ở nhà cũng như ở lớp học. Việc đưa ra các quy định rất quan trọng, nó sẽ giúp con biết những việc mình được làm và những việc mình không được làm. Trẻ sẽ dễ dàng thực hiện theo các quy định khi con hiểu ý nghĩa vì sao mình cần làm như vậy. Mỗi quy định khi đưa ra, bố mẹ hãy nói chuyện và giải thích với con vì sao mình cần thực hiện như vậy.
Ví dụ: Bố mẹ giúp con hiểu vì sao mình không nên trả lời khi chưa được hỏi: Nếu bố mẹ hỏi con mà anh/chị/em con trả lời trước thì con thấy thế nào? Con có buồn không? Có giận không?… Nếu khi con nói mà bố mẹ không nghe con nói thì con thấy buồn không?
Từ việc hiểu được cảm xúc của người khác, trẻ sẽ hiểu vì sao mình cần lắng nghe và chờ khi đến lượt.
2. Kiên nhẫn hướng dẫn, khen ngợi động viên con thực hiện
Khi mới làm quen với các quy định, con sẽ chưa nhớ và thực hiện theo các quy định đó. Bố mẹ hãy kiên nhẫn hướng dẫn và lặp lại quy định với con. Trước khi bắt đầu mỗi câu hỏi, bố mẹ có thể nhắc lại quy định hoặc điều kiện để con hiểu và lắng nghe.
Ví dụ: Bây giờ sẽ đến câu hỏi bố mẹ dành cho anh/chị/em, con sẽ nghe anh/chị/em trả lời xong rồi con sẽ nói nhé.
Bên cạnh đó, để giúp con kiên nhẫn chờ đợi khi đến lượt, bố mẹ có thể đặt thứ tự trả lời trước khi đưa câu hỏi như: Anh là số 1, con là số 2, em là số 3,…giúp con hiểu bố mẹ sẽ gọi theo số, theo tên từng người.
Có thể con sẽ chưa thực hiện ngay và vẫn sẽ nói hoặc trả lời, bố mẹ giúp con kiên nhẫn và nhớ hơn bằng việc đặt các câu hỏi để con nhắc lại như: bây giờ đến lượt ai trả lời con nhỉ? Vậy thì con sẽ làm gì nhỉ?…
Cùng với đó, bố mẹ cũng hãy luôn dành cho con những lời khen ngợi khi con đã làm được và cả những lời động viên khi con chưa thực hiện được quy định như: Bố mẹ thấy con trả lời rất chính xác, anh/chị/em con đã lắng nghe con nói rồi, bây giờ con cũng lắng nghe anh/chị/em nói nhé.
3. Trẻ tham gia vào việc đặt các quy định
Các quy định của bố mẹ sẽ thay đổi để phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu của trẻ. Để các quy định không trẻ nên áp lực rằng trẻ chỉ được thực hiện theo, bố mẹ có thể cùng trò chuyện với con về các quy định sẽ được đặt ra.
Ví dụ: Với quy định lắng nghe và chờ khi đến lượt, khi cô hỏi hoặc bố mẹ hỏi mà bạn chưa trả lời được con có thể giơ tay để trả lời giúp bạn. Từ đó con hiểu thứ tự trước sau khi muốn trả lời.
Trẻ làm quen với các quy định ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ hiểu mình cần thực hiện các hoạt động như thế nào cũng với sự hướng dẫn. Tại lớp học CODOMO CLUB Nhật Bản rất chú trọng việc tạo các thói quen tốt cho trẻ thông qua việc làm quen với quy định của lớp học. Từ sự hướng dẫn thực tế của cô giáo cùng phương pháp khen ngợi, động viên giúp trẻ hiểu lý do và thực hiện theo các quy định.