Tại Nhật Bản có rất nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức hàng tháng, hàng năm. Hina Matsuri hay còn gọi là lễ hội búp bê là một trong số đó. Đây là một lễ hội dành riêng cho các bé gái với rất nhiều đặc trưng thú vị và độc đáo, mang đậm màu sắc của văn hóa truyền thống tại Nhật Bản.
1. Nguồn gốc lễ hội Hina Matsuri
Ngày nay, người Nhật dành riêng ngày 3/3 hàng năm để tổ chức một lễ hội cầu chúc sự may mắn, sức khỏe, xinh đẹp cho các bé gái, gọi là lễ hội Hina Matsuri. Hina tiếng Nhật nghĩa là “búp bê nhỏ”; Matsuri là “lễ hội”.
Tương truyền, lễ hội Hina Matsuri đã xuất hiện trong lịch sử lên tới hơn 1000 năm. Từ những năm 794 – 1185 thời Heian xưa, người dân Nhật quan niệm rằng, những con búp bê làm bằng giấy hoặc rơm có thể xua đuổi những linh hồn xấu. Sau khi bé gái chơi chúng, họ sẽ thả xuống sông để mang theo những điều không may, tai ách, bệnh tật ra khỏi bé gái.
Lúc đầu, búp bê được làm bằng những vật liệu đơn giản như giấy, rơm. Nhưng đến thời Muromachi, người dân đã chuyển sang làm búp bê dạng ngồi như ngày nay, gọi là búp bê Hina.
Búp bê Hina được chế tác rất tinh xảo và nghệ thuật, vì vậy, chúng không còn bị người dân thả trôi sông nữa. Thay vào đó, họ sẽ trưng bày, sắp xếp ngăn ngắn trong ngày lễ hội.
2. Búp bê Hina Matsuri là gì?
Tại các gia đình của Nhật, búp bê Hina được coi trọng và là biểu tượng linh thiêng trong mùa lễ hội, được truyền từ đời này đến đời sau.
Búp bê Hina được chế tác từ nhiều chất liệu khác nhau. Búp bê truyền thống sẽ được tạo bằng gỗ hoặc bằng vải độn rơm, cùng với đó là trang phục gồm nhiều lớp cầu kỳ.
Chúng luôn được trưng bày trong một căn phòng riêng, đẹp nhất của gia đình vào dịp lễ hội diễn ra. Sau đó, người Nhật sẽ cất giữ cẩn thận trong những chiếc hộp để dùng vào các kỳ lễ hội tiếp theo.
Tại gia đình khá giả, các bé gái được bố mẹ mua tặng những con búp bê Hina mới để chuẩn bị cho ngày lễ. Đối với gia đình thượng lưu, búp bê không chỉ là vật trưng bày đơn thuần mà còn là một phần của hồi môn của cô dâu và là niềm tự hào của cả gia tộc.
Kệ búp bê
Việc trưng bày những con búp bê Hina rất quan trọng đối với gia đình có bé gái, đây như một quan niệm từ xưa để xua đuổi tà ma. Từ khoảng giữa tháng 2 cho đến 1 tuần trước ngày tổ chức 3/3, mọi gia đình đã phải chuẩn bị xong kệ trưng bày búp bê.
Mỗi bộ búp bê hoàn chỉnh cần có ít nhất 15 búp bê với trang phục truyền thống, đại diện cho nhiều nhân vật, trong đó có ít nhất một cặp búp bê nam và nữ tượng trưng cho Vua và Hoàng Hậu.
Hina – dan là tên gọi một kệ đặt búp bê Hina, gồm 7 tầng. Mỗi tầng được thiết kế trải thảm đỏ trang trọng, tuy nhiên, với những ngôi nhà chật hẹp cũng có thể dùng loại kệ nhỏ hơn, chỉ 5 tầng hoặc 3 tầng.
Các tầng được bày trí như sau:
- Tầng cao nhất là vua và hoàng hậu. Vua được đặt bên trái, Hoàng hậu phía bên phải. Phía sau lưng là một bức bình phòng làm giấy vàng, hai bên có hai cây đèn đứng in hoa văn. Phía trước mặt trang trí hai bình hoa được cắm hai nhánh hoa đào và hai bệ đựng bánh mochi.
- Tầng thứ 2 gồm 3 con búp bê, là 3 cung nữ hầu rượu sake cho vua và hoàng hậu. Hai người hai bên ở tư thế đứng, người ở giữa thì ngồi. Ở giữa 3 người này là 2 chiếc takatsuki, loại bàn đứng được đặt mochi hình tròn, 2 tầng trắng và hồng.
- Tầng thứ ba gồm 5 búp bê. 5 nhạc công nam, 3 người chơi trống, 1 người thổi sáo, và 1 người cầm quạt.
- Tầng thứ tư là 2 búp bê đại thần, bên trái là đại tướng quân.
- Tầng thứ năm gồm 3 búp bê là hộ vệ cho vua và hoàng hậu. Hai bên được trang trí bằng một chậu hoa đào và một chậu quất.
- Tầng thứ sáu và tầng dưới cùng dùng để trang trí nhiều vật dụng khác nhau như một loạt các đồ nội thất nhỏ, công cụ, toa xe.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có đủ không gian và tiền bạc để sắm, trưng bày được cả 7 tầng như đúng nghi thức mà thường tối giản hóa, chỉ bày những tầng cơ bản nhất ở trên cùng.
Món ăn, phong tục trong ngày lễ
Khi lễ hội Hina Matsuri diễn ra, các món ăn và phong tục đặc biệt cũng khiến người ta chú ý và tò mò về sự độc đáo và thú vị. Đây cũng là dịp để gia đình thưởng thức, quây quần bên nhau.
Những món ăn mùa xuân và món bánh được ưa chuộng trong ngày này phải kể đến cơm đậu đỏ Sekihan, rượu ngọt Shirozake, bánh dày Hishi – Mochi và các loại bánh kẹo mang màu sắc sặc sỡ tượng trưng cho một mùa xuân tươi mới.
Vào ngày lễ, người Nhật thường chưng hoa đào, bởi hoa đào tượng trưng cho một cuộc hôn nhân trọn vẹn, hạnh phúc.
3. Hoạt động trải nghiệm tìm hiểu lễ hội Hina Matsuri tại trung tâm KIZUKI
Trong lễ hội Hina Matsuri 3/3, các bạn nhỏ đến KIZUKI đều được tham gia vào hoạt động tìm hiểu những điều thú vị về lễ hội.
Những nét văn hóa cổ xưa được người Nhật gìn giữ bảo tồn cho đến ngày nay đã được tái hiện phần nào ngay trong không gian của KIZUKI. Có thể dễ dàng thấy ngay từ tiền sảnh là hình ảnh những bông hoa đào đặc trưng của Hina Matsuri còn được biết với cái tên khác là Momo no Sekku (Lễ hội hoa đào).
Với ý nghĩa cầu chúc cho bé gái khỏe mạnh hay hình ảnh mô phỏng kệ bày búp bên (hinadan), một điểm nhấn đặc biệt của lễ hội. Những hoạt động được các cô giáo tại KIZUKI chuẩn bị rất chu đáo gồm:
- Giải câu đố, tìm hiểu về lễ hội
- Gấp Origami
- Tô màu, tô tranh theo chủ đề
- Các trò chơi, hoạt động khác
Các bạn nhỏ khi được trải nghiệm rất thích thú và hào hứng với các hoạt động diễn ra trong ngày lễ này. Sự kiện đem lại cho con kiến thức và trải nghiệm thú vị về văn hóa của đất nước mặt trời mọc.
Như vậy, lễ hội Hina Matsuri là một nét văn hóa truyền thống đặc biệt của người Nhật, với mong muốn đem lại sự đủ đầy và may mắn cho các bé gái trong gia đình. Ngoài ra, tại Nhật Bản còn có lễ hội Koinobori dành riêng cho các bé trai. Hãy cùng theo dõi các bài viết của trung tâm ngoại ngữ tiếng Nhật KIZUKI tại website: https://kizuki.edu.vn/ để cập nhật những thông tin hay nhất về đất nước Nhật Bản ngay nhé!