Con hấp tấp, vội vàng

Con hấp tấp, vội vàng

Q: Con 4 tuổi không ngồi trên ghế được quá lâu. Ngồi được 2-3 phút thì lại đứng lên tìm thứ khác, tô màu được vài nét đã đứng dậy. Mẹ thấy con vội vàng, không cẩn thận. Có nhiều bạn ở lứa tuổi của con như vậy không? Làm thế nào để giúp con cải thiện điều này?

A: Những biểu hiện ở con như vừa ngồi trên ghế đã đứng dậy làm việc khác ngay, không ngồi được 2 đến 3 phút trên ghế,… thể hiện sự hấp tấp, vội vàng ở trẻ. Với những biểu hiện như vậy, nếu để ý và quan sát, bố mẹ có thể nhận thấy từ khi con mới khoảng 2 tuổi. Biểu hiện này sẽ được thể hiện rõ hơn khi trẻ lên 3, 4 tuổi.

Việc con ngồi trên ghế trong thời gian ngắn 2-3 phút, chưa kiên nhẫn làm một việc gì đó dù là đơn giản như xé giấy, tô màu …được nhiều người cho rằng đó là chuyện thường thấy ở trẻ nhỏ và rất nhiều trẻ cũng sẽ như vậy. Điều này không sai. Nhưng nếu tiếp tục nghĩ đó là chuyện thường và để trẻ duy trì biểu hiện đó cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình hình thành tính cách của trẻ sau này.

Nhiều người cho rằng trẻ còn nhỏ nên chưa hiểu, để khi trẻ lớn hơn sẽ nhắc nhở. Tuy nhiên khi một biểu hiện hành động như vậy được lặp đi lặp lại sẽ tạo thành thói quen ở trẻ. Thói quen sẽ hình thành nên tính cách ở trong trẻ. Vậy phải làm thế nào để giúp trẻ cải thiện điều này?

Trước hết, hãy cùng tìm hiểu một trong số những nguyên nhân thường dẫn đến hành động vội vàng, hấp tấp ở trong trẻ.

Nguyên nhân 1: Trẻ bắt chước hành động từ người lớn

Trẻ nhỏ giống như một bản sao của người lớn. Trong giai đoạn phát triển từ 3-6 tuổi, trẻ quan sát và bắt chước thực hiện các hành động  xung quanh mình rất nhanh. Trẻ thu nhận những cách xử lý và thực hiện với các hoạt động khác một tương tự.

+ Người lớn dậy vội vàng buổi sáng, không gập chăn và để đó thì trẻ cũng sẽ bắt chước và thực hiện theo.

+  Người lớn vội vàng cho hết đồ vào túi/giỏ/tủ mà không sắp xếp, trẻ cũng sẽ quan sát và thực hiện tương tự khi sắp xếp đồ của mình

….

Nguyên nhân 2: Sự thúc giục của bố mẹ.

+ Khi con đang làm 1 việc gì đó như tô màu cần sự tập trung thì bố mẹ lại giục con tô nhanh lên để đi đâu đó làm việc khác.

+ Khi con vừa ngồi xuống và đang thực hiện hoạt động như xé dán, gấp giấy… thì bố mẹ lại yêu cầu con dừng lại đứng lên để đi làm việc khác.

Trẻ sẽ dễ hình thành thói quen vội vàng, hấp tấp, từ đó khó tập trung và kiên trì thực hiện một công việc đến cùng.

Hiểu được nguyên nhân từ hành động của con, bố mẹ có thể dễ dàng hơn trong việc giúp con bình tĩnh, kiên trì thực hiện hoạt động. Dưới đây là một số phương pháp (PP) giúp con cải thiện sự hấp tập, vội vàng, bố mẹ có thể tham khảo cùng thực hiện với con.

PP1: Rèn luyện thói quen ngồi trên ghế trong các hoạt động

Để tạo thói quen, con không chỉ ngồi ở trên ghế khi tô màu mà con sẽ ngồi trên ghế và thực hiện ở những hoạt động khác nhau. Khi con ăn, bố mẹ cũng sẽ yêu cầu, hướng dẫn con ngồi vào bàn ghế rồi mới bắt đầu ăn. Khi bố mẹ kể chuyện cho con, con chơi đồ chơi bố mẹ cũng có thể hướng dẫn con ngồi trên ghế để tạo thành thói quen. Việc ngồi ổn định trên ghế sẽ giúp con ổn định tư thế, tâm thế để thực hiện nghiêm túc các hoạt động.

Hướng dẫn con ngồi trên ghế để tạo thành thói quen

Việc tạo thói quen không chỉ nằm ở phía trẻ mà cũng là ở thói quen của bố mẹ. Với lứa tuổi của con cần thời gian để rèn luyện và hình thành thói quen, vì vậy bố mẹ cũng hãy kiên trì thực hiện và rèn luyện cùng con.

Với lứa tuổi của con cần thời gian để rèn luyện và hình thành thói quen

PP2: Làm mẫu và làm cùng con

Ở lứa tuổi từ 3-6, con rất thích được chơi cùng với bố mẹ, được cùng bố mẹ thực hiện các hoạt động. Cùng với đó, như có chia sẻ ở phía trên, trẻ sẽ bắt chước và thực hiện theo hành động người lớn rất nhanh. Chính vì vậy, trong mọi hoạt động thường ngày, bố mẹ hãy làm mẫu, cùng làm với con và chỉ cho con thấy mình sẽ cần thực hiện như thế nào. Trẻ cũng rất thích được hướng dẫn bố mẹ, vì thế bố mẹ cũng hãy thực hiện theo khi con hướng dẫn. Điều đó sẽ giúp trẻ cảm thấy thích thú và hào hứng hơn với hoạt động đó.

PP3: Kiên trì, kiên nhẫn trong các hoạt động cùng con

Khi trẻ chưa có thói quen kiên trì thực hiện các công việc đến cùng. Bố mẹ có thể khuyến khích con bằng những phần thưởng con yêu thích như khi con làm xong công việc này sẽ được mua món đồ chơi con thích hay đi khu vui chơi, siêu thị,…

Cùng với đó, để giúp con kiên nhẫn không chỉ ở riêng trẻ mà nó cũng phụ thuộc rất nhiều vào bố mẹ. Bố mẹ cũng hãy kiên nhẫn khi chơi cùng con, khi đọc sách kể chuyện cho con. Từ tâm lý bình tình của bố mẹ, trẻ cũng sẽ cảm nhận được và bình tĩnh hơn trong các hoạt động của mình.